Thông thường nhắc đến Phong Thủy, người ta hay nghĩ tới một bộ môn khá Huyền Bí, rất cổ xưa và đậm chất mê tín. Thực ra nếu hiểu Phong Thủy theo nghĩa “Lựa chọn cho con người một môi trường sống, sinh hoạt tốt nhất” thì Phong Thủy thật sự rất gần gũi với chúng ta.
Trong cuộc sống hiện đại khi mà thời gian làm việc trong công sở đã chiểm thời gian không nhỏ của rất nhiều người, hiệu quả công việc của mỗi công ty được coi trọng thì Phong Thủy Học cũng không chậm chễ bắt nhịp thời đại để có những kết quả nghiên cứu rất thú vị về Phong Thủy Công Sở. Mục đích cuối cùng cũng là tạo dựng được cho toàn bộ Công Sở có được nguồn Sinh Khí thịnh vượng, Môi Trường lành mạnh, nâng cao hiệu quả làm việc cao nhât cho nhân viên.
Về tổng thể cách bố trí toàn bộ công sở theo quan điểm của Phong Thủy đặc biệt rất coi trọng hình thế sau đó mới lấy thêm các tính toán dựa trên Lý Thuyết Kinh Dịch Bát Quái để xem xét thêm độ tốt xấu.
Bố trí Phong Thủy trước hết cần chú ý tới các đường hành làng dẫn khí đi vào từng bộ phận của Công Sở, điều này vô cùng quan trọng, nếu một Công Sở mà chỗ thì gió ào ào, chỗ lại nóng tới chảy mồ hôi thì nó nhất định không làm cho nhân viên hứng thú đến với công ty, công sở.
Hoặc như ngày trước rất phổ biến cách bố trí một toàn công sở có hành lang ở giữa, từ đó rẽ nhánh sang hai bên là các phòng làm việc có cửa bố trí đối diện nhau. Cách bố trí như vậy thoạt nhìn có vẻ như hợp lý và khoa học, song thực tế hoàn toàn ngược lại. Tại hành lang giữa không khí trở thành tù đọng, dồn ép sang hai bên, các cửa phòng làm việc đối diện nhau, khiến nhân viên trở nên xoi mói lẫn nhau, thiếu tự tin và hay gây ra bất hòa. Đặc biệt cách bố trí như vậy thường tạo tiếng vọng lớn khi có hoạt động ở hành lang, làm giảm sự tập trung trong công việc dẫn đến giảm năng suất lao động của mỗi người. Phong Thủy học gọi đây là Cách Cục “Phá Biên”. Rất xấu.
Trong các văn phòng, doanh nghiệp, cơ quan hành chính hiện nay phổ biến cách bố trí nhân viên các bộ phận làm việc tập trung trong cùng một không gian lớn. Mỗi bộ phận được ngăn cách bằng hệ thống bàn làm việc và tấm ngăn di động khá linh hoạt. Đây là một cách bố trí rất hay bởi nó vừa tạo được sự liên kết giữa các bộ phận vừa tạo được tính độc lập tương đối cho mỗi bộ phận chức năng. Tuy nhiên theo quan điểm của Phong Thủy Học thì cần lưu ý : Các bộ phận phải có được tính độc lập tương đối cao, các vách ngăn giữa các bộ phận phải che khuất tầm nhìn tuyệt đối. Các bộ phận liên kết với nhau bằng một hệ thống lỗi đi tương đối rộng thoáng, việc bố trí đường đi phải sao cho nó sẽ dẫn Khí lưu thông đầy đủ tới tất cả các bộ phận, đường đi của dòng khí này không được thẳng tuột, cũng không được quá vòng vèo. Trên hệ đường nối giữ các bộ phận, tuyệt đối không được để các tạp vật chắn lỗi, các thùng rác, máy pha Cafe cần được đặt gọn vào các góc tường. Trong lúc bố trí các bộ phận nên lưu ý, càng là các bộ phận quan trọng, đặc biệt là người quản lý hoặc giám đốc thì phải lui dần về phía sau ( So với cửa vào) để làm sao đó từ vị trí của mình các Sếp có thể kiểm soát mọi hoạt động của Công Sở.
Nên lưu ý thêm một số điểm quan trọng sau :
1. Các cửa phòng làm việc kỵ đối diện với nhau, kỵ đối diện với cửa chính. Sẽ gây tâm lý bất an, hay tranh cãi giữa mọi người.
2. Trước cửa các phòng làm việc không nên đặt nhà vệ sinh, trong phòng làm việc nếu không thật cần thiết cũng không nên có phòng vệ sinh. Dù là giữ vệ sinh rất tốt nhưng nhà vệ sinh vẫn là môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.
3. Phòng giám đốc nên đặt ở vị trí độc lập và bảo mật tốt, không gian phòng giám đốc không nên mở thông sang nhiều chỗ khác, cũng không cần quá lớn. Bởi đối với một giám đốc, một lãnh đạo thì việc bảo mật các tác vụ là tối cần thiết. Đặc biệt việc giữa tư thế độc lập cũng mang đến uy thế cho Sếp trong con mắt của các nhân viên.
4. Theo Phong Thủy Học khi chúng tađứng ở trong Công Sở quay ra hướng cửa thì tay trái thuộc Thanh Long ( Biểu tượng Rồng Xanh) nên đặt các phòng Giám Đốc, Tài Vụ, Nghiệp Vụ ở đây. Còn bên tay phải là Bạch Hổ ( Biểu tượng Hổ Trắng) nên đặt các phòng ban có tính trợ giúp như Hành Chính, Kỹ Thuật, Thông Tin……
5. Mỗi khi bố trí Công Sở theo Phong Thủy học rất nên chú ý tới vị trí Tài Vị ( Vị trí tụ Khí và mang lại tiền tài cho Công Sở ). Cách xác định vị trí này khá đơn giản. Nó thường nằm ở góc chéo đối diện với cửa ra vào nếu cửa mở lệch về một bên. Nếu cửa nằm chính giữa thì có thể chọn 1 trong hai góc chéo để làm Tài Vị :
• Nơi góc tài vị theo tín ngưỡng dân gian thường đặt ban thờ Thần Tài. Nếu ở nơi Công Sở có thể chọn nơi này để đặt bể cá cảnh nhỏ, đặt chậu cây cảnh, hoặc máy lọc nước uống.
•Vị trí này không nên đặt các động cơ, các máy phát nhiệt, hoặc quạt gió thổi mạnh.
•Nên giữ gìn sạch sẽ cho vị trí này, nếu để bẩn, ô nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng đến tiềm năng tài chính của Công Sở.
•Vị trí Tài Lộc không được để hở trần, không nên đặt cửa sổ, hoặc tạo các lỗ thủng trên tường, sẽ tạo ra sự thoát Khí dẫn đến Lậu Tài (Rò rỉ tiền bạc).
Về phương diện tính toán cho Công Sở theo các quy chuẩn của Kinh Dịch, Bát Quái (Thường gọi là Phong Thủy Lý Khí) thật ra cần có các chuyên gia về lĩnh vực này tính toàn cân nhắc một cách kỹ càng, bởi đây là những bài toán nhiều tầng lớp, có rất nhiều thông số chồng chéo không dễ biết được. Nó không đơn giản là bốn hướng tốt, bốn hướng xấu như nhiều người vẫn nghĩ.
A Tư Tiểu Khang – www.phongthuy123.com